MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA RỦI RO VÀ LỢI NHUẬN THEO XÁC SUẤT VÀ GIÁ TRỊ KỲ VỌNG

Thực ra nội dung chuẩn của mệnh đề này xuất phát từ ngành tài chính, và đầy đủ phải là: “rủi ro càng cao thì lợi nhuận kỳ vọng phải càng lớn, để bù đắp cho phần rủi ro cao đó”. Ta để ý thấy có 1 sự khác biệt rất nhỏ, đó là từ “kỳ vọng” .Chỉ một sự khác biệt rất nhỏ nên làm nhiều người nghĩ rằng 2 mệnh đề trên là như nhau. Nhưng thực ra không phải, hai mệnh đề đó khác nhau dữ lắm. Để Dũng lấy ví dụ cho dễ hình dung như sau:

Giả sử có 1 bất động sản rủi ro, nên chỉ có xác suất 20% mua là lời 2 tỷ, còn lại xác suất 80% mua là thua lỗ 1 tỷ.

Nếu tin theo mệnh đề “Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn“. Thì ta sẽ nghĩ đơn giản: lời thì lời 2 tỷ lận, còn lỗ thì chỉ có 1 tỷ thôi, Lợi Nhuận sẽ gấp 2 lần Thua Lỗ . Ngon quá, mua chớ chần chờ gì nữa.

Còn nếu phân tích theo chuẩn trong ngành tài chính thì sẽ là thế này. Đầu tiên, ta sẽ tính con số Giá Trị/Lợi Nhuận Kỳ Vọng. Trong trường hợp này Lợi Nhuận Kỳ Vọng = 20% x 2 tỷ + 80% x (– 1 tỷ= (-400 triệu).

Vậy, nếu theo ngành tài chính thì Lợi Nhuận Kỳ Vọng khi mua bất động sản này là (-400triệu) , tức là lỗ 400 triệu. Và ta có thể thấy rằng bất động sản này có rủi ro cao( chỉ có 20% mua là lời, còn 80% mua là thua lỗ), nhưng Lợi Nhuận Kỳ Vọng lại là con số âm 400 triệu. Nên ta chẳng dại gì mua bất động sản này. Cách tính giá trị Lợi nhuận Kỳ vọng này tương tự như tính NPV, ta chỉ đầu tư dự án khi mà NPV >0.

Nếu tin theo mệnh đề “Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn“, vẫn có xác suất 20% bạn lời 2 tỷ, nhưng xác suất chỉ có 20% thôi. Nếu bạn hên, bạn vẫn có thể gặp trúng xác suất 20%. Nhưng nên nhớ là bạn không thể mãi mãi hên được. Và theo lý thuyết xác suất thì khi mua bán càng nhiều lần theo niềm tin ở mệnh đề “Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn” thì chỉ càng lỗ vốn nhiều mà thôi.

Tóm lại, theo Dũng Phan ,khi Anh Chị được tư vấn mua bđs nào đó có rủi ro cao. Và lý do mua là “Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn”, thì anh chị nên bình tĩnh xem xét lại, khoan chớ vội mua nhé, vì đó là mệnh đề đã bị bóp méo, không đúng theo lý thuyết xác suất.

GIẢI MÃ CHIẾN THUẬT LƯỚT SÓNG THEO XÁC SUẤT VÀ GIÁ TRỊ KỲ VỌNG

Chiến thuật này trước đây được nhiều dân lướt sóng ưa thích. Đó là vào thời điểm thị trường nóng sốt, nhiều người sẽ lướt sóng theo chiến thuật này. DƯỚI ĐÂY DŨNG PHAN LÝ GIẢI CHIẾN THUẬT NÀY THEO KIẾN THỨC XÁC SUẤT, CHỚ KHÔNG PHẢI LÀ KHUYẾN KHÍCH ÁP DỤNG NHÉ ANH CHỊ.

Chiến thuật này chỉ thành công trong thời kỳ nóng sốt với sản phẩm phù hợp. Thời điểm đó họ sẽ lướt sóng theo chiến thuật, cứ mỗi sản phẩm sẽ đặt cọc 50 triệuNhư vậy với 500 triệu là có thể đặt cọc mua được 10 sản phẩm. Sau khi đặt cọc thì họ rao bán chênh lệch 50 triệu/ sản phẩm, còn rao bán không được thì họ bỏ cọc (chịu mất cọc 50 triệu/ sản phẩm).

Vì thời điểm thị trường nóng sốt nên xác suất bán chênh được sẽ thường xuyên xảy ra, ví dụ xác suất là 70% là sẽ bán chênh lời được 50 triệu, và chỉ có xác suất 30% lỗ 50 triệu (mất cọc vì không bán chênh được ).

Ta tính toán được giá trị/lợi nhuận kỳ vọng trong 10 lần tham gia lướt sóng này sẽ là: 70% x 500 triệu + 30% x (-500 triệu)= 200 triệu.

Trường hợp trên thì người chơi lướt sóng sẽ có lợi nhuận. Còn lướt sóng thua lỗ/mất vốn sẽ xảy ra 2 trường hợp chính sau đây:

-Lựa thời điểm thị trường giảm nhiệt để lướt sóng. Trường hợp này thì ai cũng dễ dàng nhận ra rồi. Tương tự phân tích phía trên, nhưng do thị trường giảm nhiệt nên xác suất thua lỗ bây giờ là 70%, xác suất bán chênh có lời giờ chỉ là 30%. Ta tính được Giá trị/Lợi Nhuận kỳ vọng là (-200 triệu), tức là lỗ 200 triệu. Càng chơi sẽ càng lỗ .

-Còn 1 trường hợp thua lỗ nữa , dù ngay cả khi thị trường nóng sốt. Đó là người chơi không tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ. Thay vì chơi theo chiến thuật mua 10 sản phẩm để dựa vào xác suất nhằm ăn lời chung cuộc. Thì ở đây, với vốn 500 triệu, người chơi đặt cọc sản phẩm đầu tiên 50 triệu, không bán chênh được và không chịu cắt lỗ. Thay vào đó họ dùng 450 triệu còn lại để thanh toán các đợt tiếp theo cho sản phẩm duy nhất mà họ mua .

Hiện tại, bất động sản đang phân hóa và, thị trường hiện tại chỉ dành cho những nhà đầu tư dài hạn và những người có nhu cầu ở thực, chiêu lướt sóng trên chắc chắn không áp dụng được.

Dũng Phan